Giới thiệu về kính hiển vi cho trẻ em


Lĩnh vực: kính hiển vi, thiết bị khoa học  

Đối tượng: Instructor – Anh/chị hướng dẫn các em nhỏ

Ngày tháng cập nhật: tháng 2/2022

Bạn sẽ học được gì?

  • Cấu tạo KHV cho trẻ em, nhìn chung về sự khác nhau giữa KHV cho trẻ em và KHV hiện đại, những lưu ý khi thao tác/bảo quản KHV, vài nét về một nhà phát minh trong lịch sử KHV

Ứng dụng ở đâu và liên quan những ngành nghề nào?

  • KHV giúp chúng ta vén bức màn về thế giới ở một chiều không gian vô cùng nhỏ bé: những sinh vật nhỏ bé cư trú trong nước, thức ăn và thậm chí là trong cơ thể chúng ta, hay các cấu trúc tinh vi của vật liệu. Loại KHV quang học như trong các thí nghiệm của VNBD4K nhìn chung được sử dụng rất nhiều trong khoa học kỹ thuật, từ các nghiên cứu cơ bản trong công nghệ sinh học, vật liệu đến chẩn đoán y tế hay công nghiệp bán dẫn. 

1.     Giới thiệu chung về KHV cho trẻ em

–     KHV cho trẻ em dùng trong các thí nghiệm của VNBD4K là loại KHV quang học. KHV cho trẻ em có nhiều chức năng chính của KHV quang học thông thường nhưng với thiết kế đơn giản hơn ở hầu hết các bộ phận, từ các thấu kính, nguồn sáng, bộ lọc, đến bàn đỡ mẫu vật, núm chỉnh nét, và không có hệ thống camera và máy tính đi kèm. Tuy nhiên, với mục đích là quan sát hình ảnh đơn thuần, KHV cho trẻ em vẫn là một công cụ thú vị để giới thiệu các bé đến thế giới li ti với chi phí thấp hơn hàng chục, hàng trăm lần so với KHV quang học hiện đại. Ảnh 1 cho thấy hình ảnh ví dụ về một KHV quang học hiện đại trong nghiên cứu và một KHV cho học sinh/trẻ em. Ảnh 2 ghi chú cấu tạo chi tiết của một KHV cho trẻ em.

Ảnh 1. Ví dụ về một KHV quang học hiện đại dùng trong nghiên cứu của Olympus (ảnh trái) và một KHV cho học sinh/trẻ em nhãn hiệu Bebang (ảnh phải)
Ảnh 2. Cấu tạo KHV cho học sinh/trẻ em (tiếng Anh/Việt), dựa trên thông tin của nhãn hàng Bebang trên Amazon.com 
  • KHV hiện đại còn bao gồm các loại khác ngoài KHV quang học như KHV điện tử, KHV đầu dò, v.v… KHV quang học dùng ánh sáng khả kiến (ánh sáng nhìn thấy được) để quan sát mẫu vật. Độ phóng đại sẽ tuỳ thuộc vào thông số của các thấu kính, và giới hạn lý thuyết của loại kính này là chúng không thể giúp nhìn thấy các vật nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng khả kiến. Các loại KHV hiện đại có thể vượt qua giới hạn lý thuyết này bằng các công nghệ khác như dùng tia hạt điện tử (electron), như trong KHV điện tử, thay vì ánh sáng để quan sát mẫu vật, v.v… Các công nghệ hiện đại này nằm ngoài phạm vi KHV cho trẻ em. 

2.     Những lưu ý khi thao tác với KHV

2.1. Khi sử dụng

  • Đặt kính ở một vị trí cố định, hạn chế di chuyển (nếu di chuyển nên để trong hộp kín và bê ở tư thế thẳng đứng bằng hai tay). Chọn bề mặt phẳng, vững chắc, ít bị rung lắc để đặt kính.
  • Khi chỉnh nét, thay đổi độ phóng đại hay di chuyển mẫu vật cần quan sát kỹ và làm chậm để tránh để vật kính va chạm vào mẫu vật.
  • Không để dung dịch trên mẫu vật (soi tươi) bám vào đầu vật kính, lưu ý luôn đậy lamen lên lam kính khi soi tươi.
  • Chỉ bật đèn sử dụng khi cần thiết (giữ tuổi thọ cho bóng đèn)
  • Rửa sạch và lau khô tay trước khi sử dụng (tránh mang bụi bẩn lên kính hiển vi)

2.2. Bảo quản

  • Xoay về vật kính nhỏ nhất sau khi đã dùng xong kính, hạ mâm kính xuống.
  • Phủ kính bằng một mảnh vải/nilon để tránh bụi.
  • Để ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh nấm mốc.
  • Không chùi bằng tay khi thấu kính/gương bị bụi bẩn vì dầu trên tay sẽ bám vào bề mặt. Với thấu kính/gương, cần lau sạch bằng một mảnh vải mềm, mỏng có tẩm xylen/cồn. Nếu có nên dùng khăn lau kính chuyên dụng như trong ảnh 3. Nếu không chắc chắn, nên thử lau ở một vùng nhỏ ở rìa trước để đảm bảo không làm xước/bẩn kính, rồi mới lau lên vùng trung tâm.
Ảnh 3. Khăn lau kính chuyên dụng.

3. Phụ lục

Một nhà phát minh trong lịch sử phát triển của KHV

– Trong số những người đã góp công tạo nên thành công của kính hiển vi như hôm nay, người thành công nhất phải kể đến nhà phát minh người Hà Lan sinh năm 1632 Antoni van Leeuwenhoek, người đã phát triển kính hiển vi để tìm ra tế bào hồng cầu và tinh trùng và đã công bố các phát hiện này. Cha mất sớm, ông phải làm thuê cho cửa hàng buôn bán vải sợi. Suốt ngày dùng kính lúp để đánh giá các loại vải, sợi, len, dạ,… Niềm say mê từ thuở niên thiếu đã thôi thúc ông cải tiến những chiếc kính lúp sao cho có độ phóng đại to hơn để nhìn rõ những vật nhỏ bé hơn. Vừa đi làm, ông vừa tranh thủ mài giũa các thấu kính nhỏ xíu tạo ra 419 cái thấu kính khác nhau. Ông đã chế tạo ra chiếc kính hiển vi đầu tiên. Không thoả mãn với kết quả ban đầu, ông làm đi làm lại, chế tạo ra 247 chiếc kính hiển vi khác nhau.

Ảnh 4. Chân dung Antonie van Leeuwenhoek (1632–1723)
Ảnh 5. Cấu tạo kính hiển vi Leeuwenhoek

–        Ông mải mê quan sát dưới kính hiển vi mọi thứ : bựa răng, máu, râu, tóc, lá cây, những giọt nước bẩn,… Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy trong bựa răng có những sinh vật nhỏ bé mà ông gọi là “dã thú”, bơi lội như cá măng trong nước: “trong mồm tôi số lượng chúng có lẽ còn đông hơn cả tổng vương quốc Hà Lan”.

–        Năm 1723, ông qua đời, thọ 91 tuổi. Các kết quả quan sát của ông về những sinh vật nhỏ bé được giới thiệu trong 4 tập sách có nhan đề “Những bí mật của giới tự nhiên nhìn qua kính hiển vi”.

Trích dẫn:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/K%C3%ADnh_hi%E1%BB%83n_vi 
  2. https://benh.vn/kinh-hien-vi-ra-doi-nhu-the-nao-ai-che-tao-ra-9312/ 
  3. https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/nguoi-phat-minh-hieu-ung-nha-kinh/202111220948494p1c879.htm 

Chịu trách nhiệm nội dung: ban XDCT, nhóm Outreach, Vietnam Book Drive for Kids

© Vietnam Book Drive for Kids 2022


0 Comments